Nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”

22/12/2021 08:59

Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ:“Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, yêu thương và giúp đỡ họ”, hơn 7 thập kỷ qua, nhất là trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng". Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Cùng với cả nước, 74 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô Hà Nội với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, luôn nỗ lực, cố gắng chăm lo toàn diện cho người có công. Với số lượng người có công lên tới gần 80 vạn người, chiếm khoảng 12,5% dân số của thành phố và bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, luôn thực hiện tốt các chương trình đền ơn đáp nghĩa, là địa phương tiêu biểu của cả nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công.

Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ tồn đọng và xác nhận người có công với cách mạng, ra quyết định trợ cấp cho thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng chất độc da cam; trợ cấp ưu đãi giáo dục - đào tạo; hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng chính sách; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố cũng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được xây dựng ở tất cả các cấp, các ngành. Tính từ năm 2010 đến nay, thành phố vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 300 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 13 nghìn gia đình người có công xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng hơn 55 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa; tổ chức điều dưỡng luân phiên cho hơn 130 nghìn lượt người; tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 71 tỷ đồng/năm. Hằng năm, Thành phố dành ngân sách khoảng trên 140 tỷ đồng tặng quà cho đối tượng người có công vào dịp 27-7, Quốc khánh 2-9, Tết cổ truyền dân tộc...

Bằng những việc làm thiết thực, qua các phong trào tình nghĩa, trách nhiệm, tình cảm của Nhân dân Thủ đô đối với người có công đã góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời tạo thêm nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các hộ người có công còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch với nhiều hoạt động thiết thực. Theo đó, thành phố xác định một số chỉ tiêu cơ bản: Vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 22.270 triệu đồng; tặng 2.876 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (phấn đấu mức cao hơn năm 2020); tu sửa nâng cấp 47 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa nâng cấp nhà ở đối với 227 hộ gia đình người có công; hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; hỗ trợ nâng mức sống hộ gia đình người có công thoát hộ cận nghèo. Cùng với đó, chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đảm bảo có cuộc sống tốt nhất. Tiếp tục vận động các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nhận phụng dưỡng các bà mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với mức phụng dưỡng từ 1.000.000 đồng/người/tháng.

 Phối hợp thực hiện tìm kiếm quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo chỉ đạo của Trung ương. Tổ chức thực hiện tốt nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công từ thành phố đến cơ sở; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Rà soát các hộ gia đình người có công thuộc diện hộ cận nghèo, trên cơ sở phân tích hoàn cảnh cụ thể của từng hộ có giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các hộ có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; không để hộ gia đình người có công tái nghèo theo tiêu chí mới. Tu bổ, nâng cấp, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ; Tổ chức thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ thành phố và ngoại tỉnh; tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trong thành phố Hà Nội nhân dịp ngày 27/7.

 

Ngoài các nội dung trên, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức các chương trình hoạt động tại địa phương, đơn vị mình đảm bảo tiết kiệm, ý nghĩa thiết thực, hướng đến mục tiêu chăm lo tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công.

  Tháng 7 năm 2021

Sở VHTT Hà Nội